Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

LỜ THÌ THẦM CỦA CÁC LOÀI HOA



Là chị, phụ nữ phải nhường nhịn cho em. Là người yêu, nàng phải quan tâm tới bạn trai. Đến khi làm vợ,  làm mẹ, họ lại gắn với hai từ “hy sinh”, trở thành một chiếc bóng lặng lẽ, gắn bó và chăm sóc người chồng, người con vô điều kiện.
Với một người phụ nữ, họ không mong gì hơn là được nghe những lời nói yêu thương, cử chỉ âu yếm hay một món quà thay lời cám ơn từ những người thân yêu của họ.

Để đáp lại sự tần tảo hy sinh ấy,  chúng tôi gửi đến cánh mày râu, gửi cho những đứa con một món quà nhỏ mang tên “ Lời thì thầm cho một nửa diệu kì” để bạn có thể chọn cho những người phụ nữ của mình một bó hoa “đặc biệt” thay cho những gì muốn nói vào dịp lễ  8/3 sắp tới.  


Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Tin tức


Ngày hội internet đươc tổ chức tại nhà văn hóa xã Đạ Tông vào lúc 9h ngày 28/3/2014  nhằm nâng cao khả năng sử dụng máy vi tính cho người dân nông thôn.Trong ngày hội internet các cuộc  thi sẽ được tổ chức như:thi đánh máy nhanh,thi truy cập vào internet 1 cách nhanh nhất…với nhiều giải thưởng hấp dẫn dành cho người chơi.

Thông điệp của bưu điện Đạ Tông


Bưu điên văn hóa xã đạ tông là nơi mang thông tin gần gũi và thiết thực nhất với người dân nông thôn qua sách báo và mới đây nhất là dự án nâng cao khả năng sử dụng internet cho người dân.nhằm giúp người dân có điều kiện hơn trong việc tiếp cận với văn hóa,thông tin,kiến thức mới,nâng cao đời sống tinh thần và phát triển kinh tế xã hội.Là 1 xã vùng sâu nên mọi kinh phí hoạt động còn thiếu thốn ,nên chúng tôi cần hơn sự đầu tư của các cấp,các nghành ở địa phương và các doanh nghiệp,các nhà mạnh thường quân để bưu điện chúng tôi hoạt động phục vụ người dân được tốt hơn.

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Mua chịu bánh, kẹo “thưởng” tết cho giáo viên

Thông tin năm nay nhiều doanh nghiệp có mức thưởng tết cho cán bộ, công nhân lên đến hàng chục tới trăm triệu đã khiến nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên miền núi không khỏi chạnh lòng.
Trong  chuyến công tác tại các huyện miền núi Thanh Hóa, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có dịp lắng nghe những câu chuyện "thưởng" tết “cười ra nước mắt” đối với giáo viên vùng cao. 
Nhiều người khi đề cập đến vấn đề này còn lắc đầu ngán ngẩm bởi chỉ cần nhắc đến nó thôi đã là một ý nghĩ quá "xa xỉ" đối với họ. Nhiều giáo viên vùng xuôi có thâm niên lên miền núi công tác, nhiều người chỉ mong tết đến để được về đoàn tụ với gia đình…

Tại nhiều điểm trường, cơ sở vật chất đang còn gặp nhiều khó khăn, nhiều giáo viên còn không nghĩ đến chuyện "thưởng" tết
Là người có thâm niên công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, thầy Lê Xuân Sinh, Hiệu trưởng trường  THCS thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết: “Nói thưởng tết cho oai, đỡ chạnh lòng chứ thật ra có gì đâu. 
Nói chung, các trường miền núi thì không thể  lấy đâu ra kinh phí mà lo chuyện thưởng tết cho giáo viên. Có chăng nếu cân đối tiết kiệm  thu chi thì cuối năm  mới có chút quà khoảng 100 – 150 nghìn gọi là động viên giáo viên tiếp tục cống hiến với nghề. 
Nghe đến chuyện các doanh nghiệp thưởng tết cho cán bộ với số tiền lớn, ngẫm đến mình mà chạnh lòng, tủi thân. Ở đây chỉ mong học sinh đi học đầy đủ là đã hạnh phúc lắm rồi chứ nghĩ gì đến chuyện thưởng tết cho giáo viên”.
Tại những nơi cách xa trung tâm huyện như Giao Thiện (Lang Chánh, Thanh Hóa) chuyện thưởng tết cho giáo viên trong trường nghe chừng có vẻ đặc biệt hơn. Thầy Phạm Chí Thọ, Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS  Giao Thiện (Lang Chánh) cho biết: “Học sinh trong nhà trường chủ yếu là ở nội trú (nhà trường có 75 học sinh nội trú và 148 học sinh bán trú). Hiện tại, điều kiện của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh hỗ trợ của nhà nước cấp cho nhà trường đều sử dụng vào việc tu sửa có sở vật chất để dạy học và nuôi học sinh. 
Ngoài việc dạy học, thầy cô còn phải tự túc nuôi lợn, trồng rau để cải thiện bữa ăn cho các em. Vì kinh phí khó khăn nên trong quá trình tăng gia sản xuất thêm, chúng tôi sẽ trích lại một phần số tiền có được từ việc bán lợn, bán rau để mua quà thưởng cho giáo viên vào dịp tết. Năm nay có lẽ mức thưởng có lẽ cũng chẳng khá hơn, có khi còn thấp hơn ấy chứ”.
Đối với nhiều thầy cô giáo công tác trên vùng cao, việc học sinh đến trường học đầy đủ đã trở thành "phần thưởng" lớn lao
Trao đổi về mức "thưởng" tết đối với những người làm công tác giáo dục, cô Lê Thị Luyến – Trưởng phòng giáo dục huyện Lang Chánh tỏ vẻ xúc động: “Ở đây chuyện thưởng tết nghe chừng hiếm lắm, có nơi còn không có. Có trường vì ít kinh phí hoạt động, không cân đối được ngân sách nên khi đến dịp giáp tết, hiệu trưởng còn phải ra ngoài quán tạp hóa mua chịu bánh kẹo để làm quà cho giáo viên, nghĩ mà tủi thân. Do vậy, trường nào cân đối được nguồn kinh phí hợp lý thì có quà tết, thưởng tết cho giáo viên. Tuy nhiên mức thưởng cho giáo viên chỉ trên dưới 100 ngàn đồng”. 
Nói về chuyện "thưởng" tết năm 2014 cho giáo viên trên địa bàn huyện Lang Chánh cô Luyến lắc đầu: “năm nay cũng chưa biết thế nào? Có khi còn phải phụ thuộc vào tình hình”.
Ở vùng núi cao, do điều kiện địa hình đi lại gặp nhiều khó khăn, nhiều giáo viên còn phải dựng lán trại trong khuôn viên trường để tiện sinh hoạt và làm việc. Cuộc sống vất vả khiến công tác giảng dạy của giáo viên và học sinh ít nhiều bị ảnh hưởng. Cũng như các đồng nghiệp ở nhiều nơi khác, nhiều giáo viên tại các khu lẻ của huyện Bá Thước ( Lũng Cao, Cao Sơn cách xa trung tâm vài chục km) còn không có tâm trí nghĩ đến chuyện "thưởng" tết. Có người chỉ  mong muốn có được chỗ ở để yên tâm giảng dạy là vui lắm rồi.
“Năm nào công đoàn nhà trường cân đối được ngân sách thì hỗ trợ mỗi người 50 – 100 nghìn, có năm không có gì. Số tiền trên chỉ đủ mua vài gói bánh kẹo cho có không khí tết chứ có to tát gì. Ở trên này học sinh ít lắm, nhiều khi phải đến nhà cho kẹo và vận động các em đi học mới có học sinh để dạy, nên còn thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện thưởng tết. Cô Nguyễn Thị Yến, trường tiểu học Lũng Cao 2 (khu Cao Hong, xã Lũng Cao, Bá Thước) cho biết.
Sau mỗi giờ dạy, nhiều thầy cô giáo còn phải trồng rau,nuôi lợn để cải thiện bữa ăn
Đối với nhiều giáo viên vùng xuôi có nhiều năm công tác tại trường phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước) thì câu chuyện "thưởng" tết dường như như ít được các thầy giáo ở đây quan tâm. Cái mà họ mong muốn lại là một chuyện khác: “Ở vùng Cao Sơn khó khăn này, chúng tôi chỉ cố gắng làm tốt công tác giáo dục, chỉ mong mong muốn được nâng cao dân trí cho dân bản. 
Đối với học sinh giỏi của nhà trường, cứ đến dịp tết nhất hay tổng kết năm học là ban ngân sách của thôn lại thưởng quà cho các em, trị giá mỗi xuất quà là 5 – 10 kg lúa để động viên. Còn đối với giáo viên, mỗi dịp gần đến tết, anh em giáo viên ở đây lại háo hức thu dọn đồ đạc để chuẩn bị về quê ăn tết với gia đình. Được về sum họp với gia đình ở dưới xuôi đã là niềm hạnh phúc lắm rồi!”, thầy Trịnh Văn Dũng, hiệu trưởng trường phổ thông Cao Sơn chia sẻ.
Đối với một số huyện miền núi khác như Mường Lát, Quan Sơn... tại một số điểm trường khó khăn, có những giáo viên nhiều năm liền chưa hề biết đến chuyện "thưởng" tết là gì. 
Tại một số vùng đồng bằng, việc thưởng tết cho giáo viên cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Chẳng cần nói đâu xa tại nhiều trường đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa, nơi được cho là có điều kiện làm công tác giáo dục hơn so với nhiều vùng khác thì mức "thưởng" tết cho giáo viên cũng chẳng đáng bao nhiêu: “Nhìn chung  đối với các nhà trường nằm trong sự quản lý phòng giáo dục thành phố thì mức thưởng tết cho giáo viên cũng chỉ khoảng 300 nghìn và không vượt quá 500 nghìn đồng. Số tiền trên do các trường tự cân đối.”, thầy Nguyễn Ngọc Dũng, trưởng phòng giáo dục thành phố Thanh Hóa cho biết.

Nguồn:http://giaoduc.net.vn

Ngày nhà giáo nghĩ về “Ông Đồ” xưa và nay

Một lần, cũng lâu lâu rồi, từ khi chưa cầm sổ hưu, nghe mấy người hàng xóm bảo nhau: “sắp đến ngày hiến cam các nhà giáo rồi” tôi chợt giật mình nhận ra sắp đến ngày 20/11. Có một cái gì đó ngèn nghẹn trong cổ không nói ra được. Chợt nhớ bài thơ “Ông Đồ” của của thi nhân, nhà giáo Vũ Đình Liên (1913-1996) viết năm 1936:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết,
Tấm tắc ngợi khen tài,
Hoa tay thảo những nét,
Như phượng múa, rồng bay.

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng,
Người thuê viết nay đâu,
Giấy đỏ buồn không thắm,
Mực đọng trong nghiên sầu.
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?

Nhà giáo Vũ Đình Liên đã từng dạy nhiều trường thời Pháp thuộc, sau này làm trưởng khoa tiếng Pháp ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 1941 trong thư gửi Hoài Thanh ông đã tự nhận: “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

Cái thời của ông đồ kiểu cũ kéo dài hàng nghìn năm đã chấm dứt khi mà “Năm nay đào lại nở, không thấy ông đồ xưa”, trong màn sương mờ ảo của thời cuộc, hình ảnh người thày kiểu mới hiện lên liêu xiêu, ngật ngưỡng như anh giáo Thứ trong “Sống mòn” của Nam Cao để rồi mấy chục năm sau, đất nước có một đội ngũ thầy cô giáo đông đảo tới hơn triệu người (số liệu năm 2012 là 1.161.937 người).
Thời phong kiến, số trường quốc lập rất ít vì thế mỗi ông đồ là một ngôi trường, phụ huynh trả công thầy có khi bằng mớ rau, thúng gạo, con gà… dù không cao sang gì nhưng đủ để thầy cô và gia đình không phải “chạy xô” kiếm sống.

Lúc ấy chưa có ngày “hiến cam” nên ông đồ ít bị phê phán, gần như không có chuyện đàm tiếu về phẩm hạnh người thầy. Sự thay đổi thể chế không chỉ làm thay đổi quan niệm xã hội về người thầy mà cũng làm thay đổi nhận thức của chính thầy cô về nghề dạy chữ, dạy người.
Trong các giai thoại về Khổng Tử, giai thoại “Bữa cơm của Khổng Tử” được nhiều người nhắc đến. Là người nước Lỗ, Khổng Tử dẫn môn sinh du thuyết nước Tề, gặp thời loạn lạc thầy trò toàn ăn rau rừng, củ dại.

Một phú hộ nước Tề nghe danh Khổng Tử bèn biếu thầy trò một ít gạo. Khổng tử giao cho Nhan Hồi, đệ tử đắc ý nhất, việc nấu cơm còn Tử Lộ cùng các đệ tử khác đi kiếm rau rừng. Đang đọc sách, tình cờ Khổng Tử thấy Nhan Hồi hớt một ít cơm trên nồi nắm lại cho lên miệng ăn, Khổng Tử vô cùng thất vọng.

Đến bữa Khổng Tử hỏi: “Thầy muốn xới một bát cơm cúng song thân, các con nghĩ thế nào?”. Mọi người đều bảo nên làm, riêng Nhan Hồi đáp: “Thưa thầy, cơm này không thể cúng vì khi ghế cơm, mồ hóng trên nóc nhà bay vào nồi, con phải hớt ra, nghĩ tiếc nên con đã ăn chỗ cơm bẩn đó vì vậy cơm này không thể cúng, con đã ăn rồi giờ con xin không ăn nữa”.

Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy mà vẫn không hiểu được đúng sự thật”.
Làm thầy với đầy đủ ý nghĩa của chữ “thầy” là việc khó đối với cả các bậc danh nhân chứ không chỉ với hàng triệu giáo viên được đào tạo gấp gáp ba bốn năm trong trường sư phạm.
Triết lý giáo dục của người Việt xưa được thể hiện một cách vô cùng giản dị: “không thầy đố mày làm nên” hoặc “muốn con hay chữ phải yêu quý thầy”. Theo cách nói mộc mạc ấy, người thầy là trung tâm, là yếu tố quyết định thành bại của sự nghiệp giáo dục.

Không phải ngẫu nhiên mà thời phong kiến các hạng người trong xã hội được xếp theo thứ tự: Quân – Sư – Phụ, “sư” tức là thầy (sư phụ) chỉ đứng sau vua (quân vương), còn đứng trên cả phụ (phụ mẫu - cha mẹ).

Truyền thống tôn sư trọng đạo là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên nhân cách người thầy, nó vừa như sợi dây níu kéo để thầy không bị sa ngã, cũng đồng thời là cái khiên bảo vệ thầy cô trước những cám dỗ đời thường. Truyền thống ấy ngày nay dẫu chưa mất hẳn cũng đã mai một quá nhiều.
Triết lý giáo dục thời nay là gì? Đó là quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. Với triết lý ấy có người đã mạnh dạn phát biểu: “học trò cũng có thể là … thầy mình”, thậm chí đọc một cuốn sách kể về “chuyến du lịch bụi” của cô gái 21 tuổi, có người đã thốt lên: “Đọc sách, tôi mặc dù đã 76 tuổi rồi mà thấy mình như được lớn thêm”… Với triết lý kiểu này liệu rồi đây thầy cô, gia đình, xã hội có quay xung quanh cái “trung tâm” ấy như đèn kéo quân hay không?
Có đọc, có để ý những điều này mới thấy, hóa ra mấy chục năm qua, đội ngũ nhà giáo của chúng ta, kể cả những người “rất lớn” vẫn chưa đủ lớn, vẫn cần phải lớn thêm! Cổ nhân dạy: “thái quá bất cập”, yêu quá, khen quá chỉ làm hư trẻ, cái họa nhỡn tiền có thể thấy ở những gia đình một con bên nước láng giềng. Nhiều đứa trẻ con một ấy chỉ biết có bản thân, không quan tâm đến bất kỳ ai khác bởi từ bé chúng đã nhận thức được chúng là trung tâm của gia đình, lớn lên chúng phải là trung tâm của xã hội?
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nêu ý kiến: “cần phấn đấu để trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”. Một khi “trò cũng có thể là thầy mình” thì phải xem lại thầy, xem lại cách thức đào tạo thầy cô giáo. Học trò có thể có ý kiến nhận xét về thầy cô, bởi lẽ nếu không cho tiến hành công khai thì các cháu vẫn nhận xét ở chỗ này, chỗ khác, tuy nhiên cần luôn nhớ rằng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trò luôn luôn là trò, người lớn đừng bắt các cháu  “lớn”  nhanh quá.
Thế mới biết quan niệm về vai trò trung tâm của thầy - trò xưa  nay khác nhau một trời một vực. Kẻ sĩ ngày xưa, xa rời sự nhiễu nhương chốn quan trường, về quê mở trường dạy học. Ngày nay người ta mua cái danh kẻ sĩ để chen chân vào chốn quan trường, chẳng có ai từ quan quay về dạy học, có chăng chỉ là sau khi mãn nhiệm cần một chốn điền viên, vừa có danh vừa có lợi.
Câu hỏi của nhà giáo Vũ Đình Liên, cũng là điều mà người viết trăn trở:
“những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”
Gần tám mươi năm trước ông đã giật mình về một viễn ảnh, những người thầy của bao đấng quân vương, những hiền tài mà lịch sử chắt chiu hàng nghìn năm mới có, “những người muôn năm cũ” ấy liệu có còn chút vương vấn gì với hậu thế ngày nay? Liệu có còn tìm được những học trò như Phạm Sư Mạnh, dẫu là quan rất to trong triều vẫn quỳ gối trước sân nhà thầy Chu Văn An nhận lỗi? Có được trò như Phạm Sư Mạnh bởi vì có thầy như Chu Văn An. Nếu thầy cô chỉ như đàn kiến thợ lầm lũi  kiếm ăn, xây tổ thì bầy kiến con liệu có thể mọc cánh bay xa?
Mãi đến hôm nay chúng ta mới dám thừa nhận: “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp (Nghị quyết 29 – Hội nghị TW 8 khóa 11).
Điều thứ ba trong các lời dạy của Phật là: “Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại”, bao năm nay chúng ta luôn tự hào về tính ưu việt của nền giáo dục Việt Nam, rằng học sinh của chúng ta luôn đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Phải chăng “thất bại lớn nhất của giáo dục chính là “niềm tự hào” ấy?
Thế giới đánh giá kinh tế của nước ta đã đạt vị thế của một nền kinh tế trung bình, vì sao đội ngũ giáo viên vẫn “dưới trung bình” không chỉ về hưởng thụ vật chất mà còn cả kiến thức chuyên môn? Nghe lời tâm sự của một thầy giáo: “Ba bốn năm đèn sách, cắm bản ngót chục năm, mái dột nhòe giáo án, áo mưa che chỗ nằm” thì sẽ thấy lỗi các thầy cô chỉ là một phần nhỏ, lỗi lớn nhất thuộc về cách thức tuyển chọn, đào tạo và chính sách đãi ngộ đối với thầy cô giáo.

Có thời, giữa Thủ đô văn hiến người ta vinh danh tại Văn miếu cả những thủ khoa cao đẳng, sự tôn vinh “ngộ nghĩnh” ấy góp phần làm méo mó thêm hình ảnh của một nền giáo dục vốn quá nhiều bất cập. Mục 3 nghị quyết 29 cũng đã thừa nhận Giáo dục chưa phải là quốc sách hàng đầu ít nhất là trong việc thể chế hóa đường lối và việc tổ chức thực hiện.

Dường như có một sự ám ảnh mơ hồ, rằng nhiều “ông đồ” giỏi thì cũng sẽ nhiều “thất trảm sớ”, tốt nhất là chỉ nên có các “ông đồ”  thường thường, người dốt thì dễ bảo mà. Câu hỏi mà bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội nêu ra: “Một xã hội mà người thầy không ai muốn làm thì sẽ đi đến đâu?” [1] lý giải vì sao trình độ giáo viên lại thấp như vậy.

Ý kiến của người từng là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của quốc hội cho thấy ở những cấp rất cao đều đã nhận thức được sự bất cập của giáo dục, chỉ có điều tại sao lại để nó kéo dài đến tận hôm nay thì vẫn chưa có câu trả lời.
Người thầy của Vũ Đình Liên, dù ở vào thời tàn, vung tay là thấy “rồng bay, phượng múa”, người thầy ngày nay bao nhiêu người được như thế? Liệu có quá cực đoan khi cho rằng không ít người giống trạng Quỳnh, vung tay là được tới 10 con giun!
Nói đến những hạn chế của nghề giáo nhưng không thể phê phán các thầy cô yếu chuyên môn bởi “trí thông minh” không phải là đặc tính chung của nhân loại, nó là món quà ngẫu hứng mà tự nhiên chỉ ban phát cho một số người. Đấy là chưa nói, dù có giỏi giang đến mấy họ cũng chỉ được học và được dạy những gì có trong sách giáo khoa. Quyết định trở thành thầy cô giáo, dù là miễn cưỡng vẫn là một sự hy sinh đáng trân trọng.
Khi viết “Ông đồ” Vũ Đình Liên trăn trở: “Nhưng mỗi năm, mỗi vắng, người thuê viết nay đâu”, ông không thể ngờ rằng ngày nay người thuê viết lại đông đến thế. Người xưa chỉ thuê viết vài chữ đại loại như chữ “tâm”, chữ “nhẫn”, chữ “học”… hoặc đôi câu đối, người nay thuê viết từ báo cáo tổng kết, báo cáo khoa học đến luận án thạc sĩ, tiến sĩ.
Năm nay “đổi mới toàn diện” đã thành hiện thực bằng văn bản. Trên tinh thần đổi mới và tiết kiệm, Bộ GD&ĐT đã có thông báo không nhận hoa chúc mừng và không tiếp khách nhân ngày nhà giáo. Liệu cả triệu thầy cô có nên học tập cấp trên, cũng không nhận hoa chúc mừng của phụ huynh và học sinh, sinh viên dành cho mình? Phải chăng đây cũng lại là  một sự “thái quá” không cần thiết? Người quân tử đâu sợ tiểu nhân dị nghị.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, đọc bài thơ “Ông đồ” để thông cảm với nỗi buồn man mác của người thầy xưa và nay. Xin bộc bạch một chút tâm tưởng, một mong muốn nho nhỏ, của một thầy giáo già, mong rằng:
Lá đừng rơi trên giấy
Dù trời mưa, bão, giông
Bà đồ nay ngồi thẳng.

Nguồn:http://giaoduc.net.vn/

Kiến nghị một kỳ thi quốc gia duy nhất – kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nói về kỳ thi “ba chung” bấy lâu nay, ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT), người xây dựng đề án thi ba chung những năm trước cho biết, theo đề án ban đầu ba chung không có điểm sàn, tuy nhiên sau này Bộ GD&ĐT bắt đầu thêm điểm sàn để “sàng lọc” những thí sinh yếu kém. 
Khởi thủy của “ba chung”, theo ông Chừng xuất phát từ lợi ích của nhân dân: “Chúng tôi làm nhiều năm, năm nào cũng thấy bố mẹ các em đưa đi thi khổ quá, tốn kém quá, chứng kiến nhiều trường hợp bố mẹ khóc vì con ngủ quên không được vào thi. Trong đề án ba chung chúng tôi tuyệt nhiên không nói về điểm sàn, vì Bộ đã phân cấp cho các trường điểm xét tuyển. Nhưng hiện nay mỗi năm có 1 triệu thí sinh đi thi thì tốn kém khoảng 1,5 nghìn tỷ, chính kỳ tuyển sinh đại học mới là kỳ thi tốn kém nhất” ông Chừng nói.

Ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung
Cho tới bây giờ nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về “ba chúng”, theo ông Chừng “ba chúng” không phải là chung điểm sàn mà là sử dụng chung kết quả thì,…Cha đẻ của “bà chúng” cũng cho biết, trong đề án “ba chung” có hai giai đoạn, giai đoạn một đã thực hiện và đang thực hiện, giai đoạn hai là tiến tới một kỳ thi quốc gia duy nhất, đó là làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy đó là căn cứ chính để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
“Tôi nghĩ đầu vào đại học điều kiện cần là tốt nghiệp THPT, nếu có điều kiện về xét tuyển thì Bộ GD&ĐT cũng phải nói rõ: Xét tuyển có thể căn cứ vào kết quả tốt nghiệp THPT. Nếu chúng ta chuyển càng sớm sang một kỳ thi quốc gia duy nhất thì xã hội đỡ tốn kém, đó là một cơ chế cơ bản để giảm tình trạng luyện thi tràn lan như hiện nay” ông Đỗ Văn Chừng khẳng định.
GS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học DL Hải Phòng cũng cho biết, trong dự thảo về tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT vừa qua chưa coi trọng tính tự chủ thực sự của các trường. GS. Nghị “định nghĩa” lại rằng “tự chủ” giáo dục tức là trường được làm tất cả nhưng gì trong phạm vi của pháp luật không cấm.
Nhận định về hai kỳ thi quốc gia gần nhau, GS. Nghị nêu quan điểm: “Hai kỳ thi này tôi cảm giác tốn quá nhiều tiền công của của nhà nước, nếu được bỏ kỳ thi tôi nghĩ nên bỏ thi đại học. Việc cần có một kỳ thi thực sự, nghiêm túc là kỳ thi tốt nghiệp THPT, đây là kỳ thi đi theo suốt cuộc đời của học sinh”.
GS. Trần Huux Nghị, Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng. Ảnh Xuân Trung
Lãnh đạo trường Đại học DL Hải Phòng đặt câu hỏi, nếu cảm thấy một kỳ thi quốc gia khó thực hiện, vậy tại sao chúng ta không lấy lực lượng của hai kỳ thi này để làm tốt một kỳ thi tốt nghiệp THPT, tại sao chúng ta không lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm đầu vào của đại học?
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT trường Cao đẳng Asean cho biết, theo quy luật quốc tế chúng ta phải tiến tới bỏ tuyển sinh đại học, làm điều này càng sớm càng tốt để xã hội bớt tốn kém, cha mẹ học sinh đỡ khổ. 
Ông Vũ Duy Chu – Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Á nêu vấn đề, kỳ tuyển sinh đại học của chúng ta hiện nay đã quá lạc hậu. Bởi cách làm của Bộ bấy lâu nay vẫn duy trì một cơ chế “xin – cho”. Quan điểm của ông Chứ, Bộ GD&ĐT hãy cho các trường được tự chủ hoàn toàn, chấm dứt quy định trình đề án. 
“Chúng tôi không cần ba chung của Bộ, Bộ cứ để cho chúng tôi tự chủ trong tuyển sinh, chúng tôi sẽ biết cách tuyển như thế nào” ông Chu khẳng định.
Ông Vũ Duy Chu – Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Á: Bộ GD&ĐT cứ để trường tự chủ tuyển sinh, chúng tôi sẽ tự biết cách tuyển như thế nào. Ảnh Xuân Trung
Lãnh đạo trường Đại học Cửu Long cũng cho biết, Bộ GD&ĐT phải có  một “chuẩn” quốc gia để làm đầu vào đại học, và học sinh tốt nghiệp THPT loại trung bình trở lên đều có quyền học đại học. Bộ GD&ĐT không nên “ép” các trường trình đề án và duyệt, bởi Bộ không thể có đủ người, đủ thời gian làm việc này.
“Tính tự chủ của các trường là ở chỗ này, trường phải làm sao có đề án đưa ra để người dân chấp nhận cho con theo học, đề án đó phải đưa ra được quá trình đào tạo như thế nào để xã hội chấp nhận. Đề án này là do trường tự làm, công bố công khai. Chúng ta không nên có kỳ thi đại học mà chỉ có thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt không thể có quy định miễn 20% thi tốt nghiệp THPT, như vậy sẽ dẫn tới tiêu cực từ giáo viên với hiệu trưởng” vị này cho biết.
Chia sẻ với ý kiến các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho biết, để đánh giá đúng thì điểm sàn đại học hàng năm phải bỏ, và bỏ ngay từ năm nay. Có thể chấp nhận trở lại thi “ba chung” như trước kia nhưng Bộ GD&ĐT phải để các trường thi riêng được sử dụng kết quả thi ba chung trong quá trình xét tuyển, hoặc có thể liên kết với các trường trong quá trình tổ chức thi.

“Tiến tới năm 2015 chỉ có một kỳ thi, kỳ thi đó khẳng định là kỳ thi tốt nghiệp THPT, đây là kỳ thi cho ra một bằng cấp có giá trị suốt đời cho một con người, thậm chí có giá trị quốc tế nếu học sinh đó ra nước ngoài học. Ngược lại, kết quả tuyển sing đại học không mang lại nhiều ý nghĩa, dứt khoát kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới phải làm nghiêm túc, lấy kết quả đó làm cơ sở dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng” GS. Trần Hồng Quân đề nghị.

 Nguồn:http://giaoduc.net.vn

Cách sử dụng mật ong

    Với người Việt mình, mật ong đã trở thành thức uống quen thuộc và phổ biến. Những công dụng của mật ong và cách dùng mật ong vẫn chưa được nhiều người biết đến. 

Thành phần của mật ong:

    Mật ong chứa 13-20% là nước, 75-80% hydrat cacbon (đường Glucoza, đường hoa quả, saccarôza..); Rất nhiều Vitamin các loại: B1, B2, B6, E, K, C, tiền tố vitamin A, acid folic… Nói chung là rất nhiều vi chất, mật ong chứa đựng hơn 300 vi chất. Các vi chất này gần như là mọi nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, nhiều vitamin, nhiều loại a-xít và men tiêu hóa...

Những vitamin trong mật ong kích thích sự trao đổi chất. Kali và magiê (dạng thường hoá) kích thích ăn ngon miệng, tăng hàm lượng axit hữu cơ và cải thiện sự tiêu hóa, và những hạt (của) phấn hoa trong mật ong tăng cường khả năng miễn dịch.

Tác dụng và cách sử dụng: (Tác dụng thì nhiều, nhưng quan trọng là dùng thế nào)

    1. Dùng thường xuyên: Giúp da dẻ hồng hào (bổ máu); Ăn ngon miệng hơn và ngủ sâu giấc hơn.
Cách sử dụng: Pha 2 thìa mật ong với nước ấm (không quá nóng, không dùng nước lạnh), uống buổi sáng khi chưa ăn gì vào bụng. Tốt nhất sau đó khoảng 10-15 phút hãy ăn sáng.
    Ngoài ra:
        + Mật ong đánh kem với lòng đỏ trứng gà, ăn mỗi ngày một quả sẽ làm da dẻ hồng hào, cơ thể khoẻ mạnh.
        + Mật ong trộn với bột tam thất ăn mỗi bữa một chén con có thể giúp hồi phục sức lực sau khi ốm dậy. 

2. Hoà 2 thìa mật ong vào một cốc sữa tươi đã hâm nóng và uống từ từ từng ngụm nhỏ, giấc ngủ sẽ đến với bạn nhanh chóng và êm dịu.

3. Nếu bị cảm lạnh, bạn sẽ thấy dễ chịu ngay sau khi uống một cốc nước chanh nóng có pha thêm 2 thìa mật ong.

4. Mật ong tẩm vào bông có thể đánh sạch tưa lưỡi trẻ em.

5. Nếu bị ho, hãy lấy một quả chanh tươi, khía kiểu múi khế ở ở lớp vỏ ngoài, sau đó cho một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm đủ toàn bộ quả chanh trong một cái chén. Để khoảng 1-2 giờ sau đó cắt ra ngậm sẽ đỡ ho ngay.

6. Khi da bị trầy xước: làm sạch vết thương rồi bôi mật ong lên, vết xước sẽ mau lành và không bị nhiễm trùng hay sưng tấy.

7. Mật ong trộn với bột nghệ đen (thể hàn), nghệ vàng (thể nhiệt) có thể chữa viêm loét dạ dày. Ăn liền trong 1-2 tháng sẽ cho kết quả tốt. (Còn cái này là của tây, đơn giản dễ sợ luôn: 1 thìa mật ong+nước chanh vắt+nước ấm, uống trước khi ăn chữa đau dạ dày)

8. Với người huyết áp cao, dùng một ngày hai lần: 1 thìa mật ong + nước ép gừng+ hồi xay nhỏ
Ngoài ra mật sữa ong chúa (mật ong có chứa 2 – 4% sữa chúa) làm thuốc bổ cao cấp: ngày uống 2 – 3 ml, ngậm trong miệng đến khi tan hết.

Tác dụng của mật ong và sức khỏe.

Lưu ý:
    - Không nên dùng trong các trường hợp ỉa chảy hoặc đầy bụng.

    - Tuy là chất dinh dưỡng tốt nhưng không nên dùng mật ong cho trẻ nhỏ. Mật ong dễ bị trực khuẩn tấn công, chúng sinh sôi nảy nở và thải ra chất độc. Người lớn có sức đề kháng tốt nên ít khi phát bệnh như trẻ nhỏ. Các nghiên cứu khoa học cho thấy lượng độc tố do 2.000 trực khuẩn sinh ra có thể làm chết 1 đứa trẻ nặng 7kg.

    - Khi mật ong xuất hiện các bọt khí thì không nên để lâu. Trong mật ong có một lượng đường khá lớn nên nó có tính hút nước. Do sơ suất trong bảo quản, lượng nước trong mật ong tăng lên, nếu vượt quá 20% thì làm cho nấm men phát triển nhanh và phân giải các thành phần dinh dưỡng của mật khiến mật bị biến chất. Bọt khí xuất hiện là một dấu hiệu chứng tỏ sự biến chất này. Mật tuy không phải là hỏng hẳn nhưng sẽ không giữ được lâu.

    - Không bảo quản mật ong trong các đồ đựng bằng kim loại, vì trong mật ong có acid hữu cơ và đường, dưới tác dụng của men, một phần các chất này biến thành acid etylenic. Chất này ăn mòn lớp ngoài kim loại và làm tăng thêm hàm lượng kim loại trong mật ong, làm mật biến chất. Thành phần dinh dưỡng của mật ong bị phá hoại, người dùng dễ trúng độc với các biểu hiện lợm giọng, nôn mửa...
 
nguồn:http://honeco.com/